Make our dream come true

5 SAI LẦM PHỔ BIẾN KHI ĐI THƯC TẬP HAY HỌC VIỆC

Thực tập chính là cơ hội để thử thách khả năng của bạn đối với ngành nghề mong muốn và cung cấp cơ hội cho các ứng cử viên có được những kinh nghiệm thực tế cần thiết.
Tuy nhiên, chính bởi sự “không chính thức” của kỳ thực tập lại khiến nhiều ứng viên mắc phải những sai lầm không đáng có và ảnh hưởng đến cả quyết định tuyển dụng của công ty.

1. Không nỗ lực với công việc

Một trong những điều đáng tiếc nhất cho kì thực tập của bạn là không nỗ lực hết sức với công việc. Nếu bạn đang làm việc như một thực tập sinh, bạn cần biết rằng mình đang nằm trong tay một cơ hội quý giá để trải nghiệm. Vì vậy đừng hạ thấp mình xuống chỉ vì sự lười biếng hoặc thiếu nghiêm túc. Hãy siêng năng, tận tâm hơn, có thái độ tích cực hơn trong công việc, và quan trọng hơn hết, vững vàng hơn với những lời nhận xét của người giám sát công việc.

2. Không chịu khó học hỏi

Nhìn chung, việc thực tập sẽ giúp bạn có cơ hội được học hỏi các kỹ năng mới và có cái nhìn sâu sắc, tổng quan về một công ty, chức năng của các bộ phận và công việc cụ thể. Đừng ngại ngần dành thời gian để đặt câu hỏi, tình nguyện làm các công việc, nhiệm vụ bổ sung và học tên của tất cả mọi người mà bạn tiếp xúc. Nếu bạn chưa rõ về điều gì đó, hãy mạnh dạn hỏi người giám sát hay các anh/chị nhân viên cùng bộ phận thay vì cứ lẳng lặng thực hiện và mắc lỗi. Điều này sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm quý giá.

3. Quá nhút nhát, thiếu tính chủ động

Ngay cả các chương trình thực tập có tổ chức nhất cũng có những thời điểm để thực tập sinh tự nghiên cứu và học hỏi. Trong nhiều trường hợp, công ty hoặc người hướng dẫn sẽ không có thời gian để đào tạo, hướng dẫn. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, đừng ngồi im và chờ đợi người khác giao việc cho mình. Rất nhiều thực tập sinh lãng phí rất nhiều thời gian bởi sự rụt rè hoặc quá thụ động. Vì vậy, hãy chủ động giúp đỡ mọi người và yêu cầu công việc. Không gì có thể giúp bạn học hỏi nhanh hơn là từ chính những kinh nghiệm thực tế.

4. Hay kêu ca, phàn nàn

Nhiều người than phiền rằng công việc thực tập của họ thật quá nhàm chán hoặc không đúng như những gì vẫn nghĩ. Tuy nhiên, việc phàn nàn, kêu ca trong quá trình thực tập sẽ không được người hướng dẫn đánh giá cao. Bạn vẫn chỉ là một thực tập sinh và sẽ sớm bị loại khỏi vị trí khi kết thúc kỳ thực tập nếu tiếp tục kêu ca, phàn nàn về công việc của mình.

5. Hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp

Nhiều người giữ một tư tưởng rằng mình chỉ là một nhân viên thực tập, không cần phải giữ mối quan hệ với những nhân viên khác trong phòng, ban. Điều này khiến bạn đánh mất cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được gặp gỡ, mở rộng các mối quan hệ. Hãy đối xử chân thành và trân trọng các mối quan hệ trong suốt thời gian làm việc chung ngay cả khi bạn chỉ thực tập trong thời gian ngắn. Bạn sẽ học hỏi được nhiều từ họ.

Để tránh mắc phải những sai lầm trên, bạn cần phải có một sự chuẩn bị tốt không những kiến thức chuyên ngành mà còn rèn luyện các kỹ năng làm việc, giao tiếp chuyên nghiệp. Quan trọng hơn hết, bạn hãy tận dụng mỗi cơ hội thực tập, chịu khó học hỏi, hăng hái, chú tâm trong công việc, giao tiếp tích cực và đặc biệt là phải trung thực trong công việc, chân thành trong ứng xử. Nếu bạn đã sẵn sàng cho thử thách phía trước, hãy coi thực tập là bước khởi đầu tuyệt vời và có giá trị cho sự nghiệp của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *